Theo Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, FiinGroup, tổng sản lượng bao bì giấy dự kiến trong năm 2022 đạt 4,94 triệu tấn.
Tại hội thảo về thị trường bao bì, đại diện FiinGroup Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và Tư vấn cho biết: Thị trường bao bì tại Việt Nam hiện gồm 4 phân khúc bao bì nhựa, giấy và carton, kim loại, thủy tinh.
Trong đó, thị trường bao bì nhựa cứng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm là 12,3% với dự báo đạt 1,5 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022. Thị trường này có động lực tăng trưởng từ ngành đồ uống, thực phẩm, đồ dùng gia đình và chăm sóc sức khỏe…
Riêng thống kê tổng sản lượng bao bì giấy do Việt Nam sản xuất đạt 4,76 triệu tấn trong năm 2021 và 4,94 triệu tấn (dự kiến năm 2022). Bên cạnh đó, khối lượng tiêu thụ giấy bao bì đạt 5,2 triệu tấn năm 2021 và 5,5 triệu tấn (dự kiến năm 2022).
Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam xu hướng bao bì của tương lai không những cần đảm bảo chức năng nguyên thủy như chứa đựng, bảo vệ, hỗ trợ kho vận… mà cần có đa chức năng, thông minh và tạo ra sự khác biệt có thể thu hút khách hàng.
Sự bùng nổ của thương mại điện tử, ngành bao bì, nhất là thiết kế bao bì, cần tối ưu hóa cho toàn chuỗi cung ứng. Đồng thời, bao bì carton chiếm ưu thế, cơ hội cho bao bì nhựa mềm có thành phần tái chế.
Ghi nhận trên bản đồ thế giới, ngành bao bì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép CARG rất cao, dự kiến duy trì ở tốc độ 12,3%/năm đến năm 2023. Ngoài hai xu hướng là bền vững và chuyển đổi số, ngành bao bì còn được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế, gia tăng dân số, nhu cầu người tiêu dùng về bao bì nhẹ – tiện dụng – dễ mang đi.
Theo một số doanh nghiệp, muốn nắm bắt cơ hội thị trường, ngành bao bì cần xây dựng tầm nhìn, giá trị cốt lõi, chiến lược; bộ tiêu chuẩn của doanh nghiệp làm cơ sở cho chuyển đổi số; đội ngũ nhân sự; chú trọng giữ vững và mở rộng thị trường… Song song đó, hiệp hội chủ động cung cấp và cập nhật thông tin; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình cụ thể như: thu hút đầu tư, kết nối xúc tiến thương mại…